Để bạn đọc hiểu rõ hơn về những tác hại của thuốc lá điện tử, phóng viên Báo Tuyên Quang đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Chí Thành, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Tuyên Quang. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
Ông Vũ Chí Thành.
Phóng viên (P.V): Thưa ông, hiện nay thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới đang xâm nhập giới trẻ, nhất là đối tượng học sinh. Ban đầu, thuốc lá điện tử được quảng bá là vô hại, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Ông có thể nói rõ hơn về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới đến người sử dụng như nào?
Ông Vũ Chí Thành: Khoảng 10 năm trở lại đây, để thu hút người dùng, ngành công nghiệp thuốc lá đã nghiên cứu và dần chuyển đổi từ sản xuất thuốc lá truyền thống sang sản xuất thuốc lá điện tử, shisha, thuốc lá nung nóng… với tên gọi chung là thuốc lá thế hệ mới.
Hiện nay thuốc lá điện tử hay thuốc lá thế hệ mới đang ngày càng “xâm nhập” vào các trường học, bằng cách giả dạng son môi, USB, bút, hoặc dạng hình khẩu súng…với nhiều hương vị hấp dẫn như vani, nước hoa, gà rán, hoa quả (chuối, xoài, dâu, cam, táo, nho), kẹo (như kẹo anh đào, kẹo bông gòn, kẹo chocolate, bạc hà)... Nó được ví như “cạm bẫy hương vị”, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh.
Thuốc lá điện tử là loại mô phỏng hình dạng và chức năng của thuốc lá thông thường, hoạt động bằng cách sử dụng thiết bị điện tử có hệ thống pin sạc làm nóng dung dịch lỏng hòa tan. Chất lỏng sau khi được đốt cháy sẽ biến thành một luồng khói có hương thơm và có chứa nicotine để người sử dụng hít vào luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống thuốc lá thật.
Nhiều người vẫn lầm tưởng thuốc lá điện tử không gây hại vì khi hút vào không tỏa ra khói hay có chứa mùi khó chịu như hút thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của sản phẩm này chẳng kém gì thuốc lá điếu thông thường như: Gây viêm phổi, ảnh hưởng não và thận, gây nghiện, gây ra bệnh tim, làm tăng nguy cơ chấn thương do thuốc lá điện tử sử dụng pin lithium-ion để làm nóng cuộn dây và tạo ra hơi khói. Nếu pin bị hỏng sẽ làm cho thiết bị thuốc lá trở nên quá nóng, dễ bắt lửa hoặc thậm chí phát nổ. Thuốc lá điện tử cũng tác hại với trẻ nhỏ như thuốc lá điếu thông thường, khiến cho hơi thở có mùi, gây ung thư, đột quỵ...
Đặc biệt, hiện nay, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc pha trộn. Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử và hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên và giới trẻ đang rất phức tạp và một số vụ việc đã được điều tra, phát hiện.
Một phần thi tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá của học sinh huyện Na Hang.
P.V: Trong khi chờ các chế tài đủ mạnh về việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới, việc tuyên truyền được xem là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới xâm nhập vào đối tượng học sinh, Trung tâm đã thực hiện nhiệm vụ này như nào?
Ông Vũ Chí Thành: 3-4 năm trở lại đây, đơn vị tập trung tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử tại các nhà trường. Trong đó, ngoài việc tuyên truyền đến giáo viên, học sinh tác hại, cách nhận biết, nhiều nhà trường đã phối hợp mời các bậc phụ huynh có con em đã từng bị phát hiện sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới trong nhà trường cùng nghe, nắm bắt và có biện pháp can thiệp, phòng ngừa trước khi mọi việc đi quá xa.
Tại nhiều địa phương, các trường học cũng tổ chức các Hội thi về phòng chống thuốc lá điện tử, như một cách sân khấu hóa để việc nhận thức về tác hại, nguy cơ của thuốc lá điện tử nói riêng, thuốc lá thông thường nói chung đến học sinh một cách mềm mại, dễ tiếp nhận hơn.
Chúng tôi đánh giá, đây là sự vào cuộc chủ động, tích cực của Ban giám hiệu các trường đối với vấn đề này. Trên thực tế, qua kiểm tra, đánh giá, đối tượng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới ngày càng trẻ hóa, không chỉ dừng lại ở học sinh PTCS, PTTH mà đã “lùi” về độ tuổi học sinh tiểu học. Đây là đối tượng chưa nhận thức rõ được nguy hại, cũng chưa có ý thức cảnh giác, phòng ngừa, điều này khiến nguy cơ các em sử dụng các hương liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, có pha trộn ma túy là rất lớn.
P.V: Theo ông, để giới trẻ không sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới, cần có những giải pháp gì?
Ông Vũ Chí Thành: Để phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử đối với học sinh, theo tôi, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc nắm bắt tâm lý, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá điện tử của học sinh, đồng thời phối hợp giáo dục, định hướng các em nhận thức được tác hại đối với sức khỏe và tương lai, từ đó các em thay đổi hành vi theo những chuẩn mực tốt đẹp.
Ngoài ra, để tiếp tục đẩy lùi tình trạng hút thuốc lá trong lứa tuổi học đường, các trường học cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức tác hại của thuốc lá. Thực hiện nghiêm Điều 11, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, triển khai thực hiện môi trường không khói thuốc và có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm quy định.
Quan trọng hơn cả, mỗi học sinh cần hiểu rõ, thuốc lá điện tử là kẻ giết người thầm lặng. Mỗi học sinh cần nâng cao ý thức, quyết tâm để không bị mê hoặc, lôi kéo bởi thuốc lá điện tử, để xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh, hạn chế bệnh tật, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng giống nòi, dân tộc.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Gửi phản hồi
In bài viết